Chuyển đến nội dung chính

Dữ liệu giá đất thị trường (mang tính chất tham khảo)

Giá đất tại khu vực thuộc phạm vi mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế

Khái quát quá trình mở rộng địa giới hành chính của thành phố Huế

Trước khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Huế có 27 phường với tổng diện tích là 70,67 km2 và tổng dân số là 355.789 người, mật độ dân số là 5.034 người/km2. Thành phố Huế mở rộng thông qua việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thủy Vân, xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy; phường Hương Hồ, phường Hương An, xã Hương Thọ, xã Hương Phong, xã Hương Vinh, xã Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà; xã Phú Thượng, xã Phú Dương, xã Phú Mậu, xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang vào thành phố Huế. Bên cạnh việc mở rộng địa giới hành chính ra các vùng lân cận, địa giới hành chính các phường cũ của thành phố Huế cũng được điều chỉnh như sau: Điều chỉnh 0,46 km2 và 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc. Điều chỉnh 0,80 km2 và 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa. Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của hai phường Phú Cát và phường Phú Hiệp để thành lập phường Gia Hội. Sáp nhập toàn diện tích, dân số của hai phường Phú Bình và phường Thuận Lộc để thành lập phường Thuận Lộc. Sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của hai phường Phú Hòa và Thuận Thành để thành lập phường Đông Ba. Như vậy, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã.
Một số đặc điểm thay đổi khi điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính

Đặc điểm

Trước khi mở rộng

Sau khi mở rộng

Đơn vị hành chính cấp xã

27 phường

36 (29 phường, 07 xã)

Diện tích tự nhiên

70,67 km2

265,99 km2

Dân số

355.789 người

652.572 người

Mật độ dân số

5.034 người/km2

2.453 người/km2

Nguồn: UBND thành phố Huế, năm 2020 và năm 2021


Diễn biến giá đất tại khu vực thuộc phạm vi mở rộng thành phố Huế

Các thửa đất được khảo sát trong nghiên cứu này có diện tích chủ yếu từ 65-250 m2. Về độ rộng đường phố nơi thửa đất tọa lạc, phần lớn rộng từ 3,5m đến 11,5m. Bên cạnh đó, có một số thửa tọa lạc tại các trục đường có chiều rộng lớn hơn 15m như các trục đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn đi qua các xã phường như: Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương An), trục đường Tự Đức-Thuận An (tại Thủy Vân, Thuận An), trục đường trong khu đô thị mới An Vân Dương (tại Phú Thượng).

Trước khi được sáp nhập vào thành phố Huế, mức giá đất phân bố trong khoảng từ 3 – 10 triệu đồng/m2. Tại thời điểm năm 2021, sau khi chính thức được sáp nhập vào thành phố Huế, giá đất đã tăng lên đáng kể và biến động trong khoảng từ 6 – 25 triệu đồng/m2. Mức giá cao trên 20 triệu đồng/m2 chủ yếu tập trung tại phường Thủy Vân và Phú Thượng, khu vực tiếp giáp phường Xuân Phú của thành phố Huế trước khi sáp nhập.

Nhìn chung, bình quân giá đất tại khu vực mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế tăng lên qua các năm và ngày càng có xu hướng phân hóa rõ rệt hơn, đặc biệt là trong 2 năm 2020 và năm 2021, khi chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố được phổ biến rộng rãi và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.



Tỷ lệ tăng giá đất bình quân tại khu vực thuộc phạm vi mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế giao động từ 27-44%/năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2020, mức tăng trưởng duy trì trong khoảng 41,6-44%/năm. Trong đó, có một số khu vực tăng trưởng trên 50%/năm như Thủy Vân, Thủy Bằng, Thuận An, Phú Thượng. Sang giai đoạn 2020-2021, dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ tăng trưởng ở khu vực nghiên cứu giảm xuống còn 27,6%/năm. Mức tăng này khá vượt trội so với các địa phương khác trong bối cảnh dịch bệnh. Chẳng hạn như tại thành phố Đà Nẵng, giá đất đã giảm bình quân khoảng 11% trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát (Dương Quốc Nõn và cs, 2021).



Trong cả giai đoạn 2018-2021, giá đất tăng trưởng bình quân khoảng 161%, tương đương với mức tăng 40,25%/năm. Mức tăng trưởng này khá tương đương với mức tăng của giá đất tại thành phố Đà Nẵng theo nghiên cứu của Dương Quốc Nõn và cộng sự (Dương Quốc Nõn và cs, 2021). Đáng chú ý, tại một số khu vực như Thủy Vân, Thủy Bằng, Thuận An, Phú Thượng, mức giá đất tăng trưởng cao hơn mức trung bình chung của khu vực thuộc phạm vi mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, cao nhất là tại phường Thủy Vân (235%, tương đương 54,7%/năm), Thủy Bằng, Thuận An, Phú Thượng lần lượt là 189,2%, 185,3%, và 178,8% tương đương với mức tăng 47,3%/năm, 46,3%/năm và 44,7%/năm.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Huế có có diện tích 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Tại khu vực thuộc phạm vi mở rộng địa giới hành chính, mức giá đất trước khi được sáp nhập phân bố trong khoảng từ 3 – 10 triệu đồng/m2. Sau khi được sáp nhập vào thành phố Huế, giá đất đã tăng lên đáng kể và biến động trong khoảng từ 6 – 25 triệu đồng/m2. Giá đất tại khu vực này ngày càng có xu hướng phân hóa rõ rệt, đặc biệt là trong 2 năm 2020 và năm 2021, khi chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố được phổ biến rộng rãi và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Trong giai đoạn 2018-2020, mức tăng trưởng duy trì trong khoảng 41,6-44%/năm. Sang giai đoạn 2020-2021, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 27,6%/năm. Trong cả giai đoạn 2018-2021, giá đất tăng trưởng bình quân khoảng 161%, tương đương 40,25%/năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Han Yang và cộng sự, 2020. Analysis on the characteristics of urban expansion in Urumqi. 2020 The Third International Workshop on Environment and Geoscience. OP Conf. Series: Earth and Environmental Science 569 (2020) 012043. doi:10.1088/1755-1315/569/1/012043.

2. Meng J., 2020. How Does Urbanization Affect the Real Estate Demand?. In: Li M., Dresner M., Zhang R., Hua G., Shang X. (eds) IEIS2019. Springer, Singapore.

3. Võ Thị Hoa, 2012. Vai trò của Nhà nước đối với việc thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Chu Văn Thỉnh, 2000. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài độc lập cấp Nhà nước: Cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách và sử dụng hợp lý quỹ đất đai, Tổng cục địa chính – Viện nghiên cứu địa chính, Hà Nội, tr.168.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2021. Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Dương Quốc Nõn và cộng sự, 2021. Biến động giá đất đô thị trong giai đoạn 2017-2020: trường hợp nghiên cứu tại thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và phát triển, 2021. Tập 30, Số 5C, Trang 123-140. https://doi.org/10.26459/hueunijed.v130i5C.

Đọc nhiều

Lãi kép

Thời tiết

HUẾ WEATHER